Nhiều loại cồn với mác “cồn y tế” nhưng thực chất lại là cồn công nghiệp và nó không hề có tác dụng sát trùng mà chỉ dùng để làm nguyên liệu.
Do chủ quan và thiếu hiểu biết về những loại cồn y tế được bày bán tràn lan trên thị trường, nhiều người dân thường không chú ý đến chất lượng và mặc nhiên mua về để sát trùng vết thương . Chính tâm lý chủ quan của người tiêu dùng đối với mặt hàng y tế này, nhiều kẻ trục lợi đã bất chấp dùng cồn công nghiệp để pha chế cồn và gắn mác là “cồn y tế”.
Cồn công nghiệp – methanol nếu sử dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng bởi nó sẽ tồn dư trên cơ thể người. Khi bị ngộ độc cồn công nghiệp – methanol, nạn nhân thường có một số biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, co giật, suy sụp tinh thần, giảm thị lực thậm chí là bị mù…
Điểm khác nhau giữa cồn y tế – Ethanol và cồn công nghiệp – Methanol độc hại.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Cồn ethanol được sản xuất từ việc lên men các nguyên liệu là tinh bột như sắn, ngô… và đường với mức độ tinh chất và không bị lẫn tạp chất được dùng chủ yếu để sát khuẩn khử trùng, tiệt trùng dụng cụ y tế…
Còn cồn công nghiệp methanol sản xuất từ các loại vật liệu có chứa cenlulose, chứa nhiều tạp chất độc hại, đây là chất cực độc với cơ thể con người. Methanol không chỉ gây hại cho người sử dụng khi uống mà khi tiếp xúc vào da, chất độc này cũng thâm nhập qua các vết thương hở. Hít phải methanol cũng có nguy cơ ngộ độc. Methanol thường được dùng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong nước rửa kính xe, chất tẩy rửa sơn, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các bếp lò loại nhỏ…
Hiện nay trên thị trường so với ethanol, giá bán cồn công nghiệp methanol rất rẻ nên nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hại cho người tiêu dùng, dùng cồn công nghiệp để pha chế cồn và gắn mác là “cồn y tế”.
Đã có người tử vong vì dùng phải cồn công nghiệp Methanol
Theo quy định, cồn y tế phải được đăng ký và công bố chất lượng và chứa từ 70% – 90% ethanol. Cồn y tế chỉ được phép không quá 0,02% methanol, các thành phần không được quá 0,03% và nhiều yêu cầu chất lượng khắt khe khác.
Hiện sự mập mờ trong việc ghi nhãn mác của một số nhà sản xuất khiến người dùng nhầm là cồn y tế tinh khiết. Bởi trên nhãn chai cồn chỉ ghi cồn 70 độ, cồn 90 độ và ghi công dụng sát trùng dụng cụ, sát trùng vết thương, làm chín thực phẩm nhưng không ghi thành phần. Sự nhầm lẫn đã khiến không ít người ngộ độc vì cồn chứa hàm lượng methanol.
Bệnh viện Bạch Mai từng có công văn gửi Bộ Y tế khi một bệnh nhân tại đây tử vong do uống nhầm cồn y tế mà sản phẩm được đem đi xét nghiệm kết quả cho thấy hàm lượng cồn công nghiệp lên tới 81%. Thêm đó, như trường hợp ông L.V.T ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan nặng do ngộ độc methanol có trong chai cồn 500ml ông mua về uống. Mặc dù được cấp cứu, hồi sức tích cực và dùng thuốc giải độc nhưng do đến bệnh viện muộn, não tổn thương nặng.
Làm gì để bảo vệ chính mình?
Để tránh những nguy hại khi phải sử dụng cồn y tế giả, mọi người chỉ nên mua và sử dụng các loại cồn y tế được sản xuất bởi các công ty y tế uy tín. Sản phẩm đã có số đăng ký hoặc công bố trên nhãn mác. Cần đọc kĩ trên nhãn mác sản phẩm các nội dung như đơn vị sản xuất, số đăng ký sản phẩm, số công bố sản phẩm, hạn sử dụng… Việc mua hàng chính hãng của công ty nếu có xảy ra rủi ro có nơi truy cứu trách nhiệm, nhất là khi mua về làm nguyên liệu sản xuất nước rửa tay sát khuẩn hay làm mỹ phẩm như hiện nay.